Mành tre từ lâu đã trở thành một phần quen thuộc trong trang trí và che chắn không gian. Nếu bạn đang muốn tự tay làm một tấm mành tre để tạo điểm nhấn cho ngôi nhà hay khu vườn của mình, thì bài viết này Vilata sẽ hướng dẫn bạn cách đan mành tre đơn giản với 7 bước dễ làm nhất.
1. Đặc điểm mành tre đan
Mành tre đan ngày nay rất đa dạng có nhiều loại khác nhau để sử dụng trong nhà, ngoài trời hoặc trang trí. Mỗi loại có hình dáng và chức năng riêng, nhưng tất cả đều có chung đặc điểm là được làm từ nan tre và dây đan chắc chắn.
Để làm ra một tấm mành tre bền bỉ theo thời gian người thợ cần rất tỉ mỉ trong việc chọn nguyên liệu, đặc biệt là quá trình xử lý nan tre. Nan tre phải được làm từ tre tự nhiên, trồng ở các khu rừng lớn và trải qua quá trình xử lý cẩn thận để tránh mối mọt và đảm bảo chất lượng sau này.
Phần dây kéo của mành tre cũng rất quan trọng. Loại dây này thường là dây dù to, chắc chắn và bền bỉ để có thể sử dụng trong thời gian dài. Dây kéo tốt thường có hai lõi, đường kính từ 0,8-1 cm giúp việc cuốn mành trở nên dễ dàng và tiện lợi.
Mành tre có thể dùng trong nhiều không gian khác nhau, từ nhà ở đến quán cafe, nhà hàng tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Mành tre không chỉ giúp chắn nắng, cản nhiệt tạo sự riêng tư mà còn làm cho không gian mát mẻ và dễ chịu hơn. Những sản phẩm này bền bỉ, nếu bảo quản đúng cách có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt, không bị cong vênh hay mối mọt.
Nhờ những đặc điểm trên, mành tre đan không chỉ có công dụng lâu dài mà còn góp phần làm đẹp mang lại cảm giác thư giãn và thân thiện với môi trường.
2. Cách đan mành tre đơn giản và dễ hiểu nhất
Bước 1: Chuẩn bị các nguyên vật liệu cần thiết
Trước khi bắt tay vào đan mành tre, bạn cần chuẩn bị một số vật liệu sau:
- Tre, trúc: Chọn loại già, ít mắt, đường kính lớn và đều màu. Ngâm chúng trong nước từ 2-3 ngày để giúp tre mềm hơn và hạn chế mối mọt.
- Dây cước hoặc dây dù: Để buộc các thanh tre lại với nhau.
- Sơn gỗ hoặc PU: Để bảo vệ và tạo màu cho mành.
- Dầu hỏa, nước vôi hoặc hóa chất chống mối mọt: Để xử lý tre trước khi đan.
Bước 2: Ra nan
Đầu tiên, dùng dao làm sạch các mắt tre rồi dùng cưa cắt thành từng đoạn nhỏ khoảng 1-1.5m. Bạn cũng có thể giữ lại phần ngọn để dùng sau. Tiếp theo, chẻ các đoạn tre ra thành từng mảnh nhỏ rộng khoảng 1-2 cm.
Bước 3: Xử lý chống mối mọt
Dưới đây là ba cách đơn giản để chống mối mọt mà các nghệ nhân hay sử dụng:
- Dầu hỏa: Dùng cọ quét dầu hỏa lên bề mặt thanh tre. Bọc chúng lại trong túi nilon để dầu thấm đều và tránh bay hơi. Phơi dưới nắng từ 2-3 ngày rồi rửa sạch bằng xà phòng để khử mùi.
- Nước vôi: Pha 300gr vôi với 1 lít nước, quét đều lên thanh tre và phơi khô. Bạn cũng có thể rắc bột vôi sống trực tiếp lên nan.
- Hóa chất chuyên dụng: Dùng như cách trên để đuổi mối mọt, vừa an toàn vừa hiệu quả.
Bước 4: Làm nhẵn bề mặt nan
Dùng dao chuốt kĩ bốn cạnh của các thanh nan để chúng trở nên nhẵn nhụi, dễ cầm nắm và đảm bảo không bị đứt trong quá trình sử dụng. Điều này cũng giúp sản phẩm trông đẹp hơn.
Bước 5: Phơi khô
Sau khi đã làm sạch và chuốt bề mặt các thanh nan, bạn hãy mang chúng ra phơi nắng thêm khoảng 2-3 tiếng nữa sẽ giúp cho mành tre khô nhanh hơn, đồng thời làm cho các thanh nan mềm mại và dễ dàng hơn khi bạn bắt đầu đan.
Bước 6: Đan các nan với nhau bằng dây cước hay dây dù
Xếp các thanh nan sát lại theo chiều ngang, sau đó dùng dây cước hoặc dây dù buộc chúng lại theo chiều dọc. Mỗi 1m nan tre, bạn cần buộc khoảng 3-4 lần để đảm bảo chắc chắn.
Bước 7: Phủ sơn hoặc PU
Cuối cùng, phun sơn lên bề mặt tấm mành. Có nhiều loại sơn để bạn lựa chọn như nâu gụ, vàng óng… Nếu muốn giữ màu tự nhiên của tre chỉ cần dùng một lớp sơn bóng phủ bên ngoài. Sau khi sơn xong, phơi nắng khoảng 2-3 ngày để hoàn tất. Khi lắp đặt, chỉ cần dùng con lăn và dây kéo để sử dụng thuận tiện hơn.
3. Kết Luận
Hy vọng với cách đan mành tre chi tiết với 7 bước trên mà Vilata vừa chia sẻ, bạn có thể tự tay làm nên những tấm mành tre đẹp mắt và bền bỉ cho không gian của mình. Việc tự làm không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn mang đến niềm vui khi thấy sản phẩm thủ công hoàn thành dưới bàn tay khéo léo của chính bạn. Hãy thử áp dụng và trải nghiệm sự thú vị của việc đan mành tre ngay hôm nay nhé!